Bạn thường nghe câu nói: “Đừng mong chờ mọi thứ dễ hơn, mà hãy mong muốn mình giỏi hơn”. Nhưng làm cách nào để tạo cho chính mình động lực muốn giỏi hơn?
Nếu bạn thật sự muốn thay đổi cuộc sống của mình, đầu tiên bạn cần phải tạo ra sự cấp thiết phải thay đổi.

Khi bạn hiểu rõ về những thói quen dưới đây, trong người bạn sẽ sinh một sự thôi thúc muốn mình giỏi hơn.

1. Đầu tư vào một lý tưởng về bản thân mình

Bất cứ ngành nghề nào bạn lựa chọn, và dù bạn có là ai, có một lý tưởng là

cách duy nhất giúp bạn đạt được mục tiêu ‘trở thành người giỏi hơn’ của mình.

Không biết đã từng có ai nói cho bạn nghe chưa, ở ngoài kia sẽ có 2 cách làm việc: thứ nhất là chuyên gia, và thứ hai là kẻ cơ hội. Kiểu làm việc nào cũng có cái hay của nó, và đều giúp các công việc trong xã hội phát triển lên từng ngày.

Chuyên gia là những người yêu thích công việc mình đang làm.

Họ yêu cả hành trình và những kết quả họ đạt được. Và họ cần lý tưởng để có thể sống sót qua những ngày làm việc nặng nhọc và những ngày kết quả không như mong đợi.

Kẻ cơ hội thì giỏi về nhìn người, và khéo léo bắt mọi người xung quanh làm theo ý họ. Nhưng đến lúc muốn giỏi hơn, họ cần lựa chọn những con người thật sự tài giỏi. Và để có thể thuyết phục những người tài giỏi đó làm việc theo ý mình, kẻ cơ hội cần đến một lý tưởng đủ mạnh để che đậy cách họ quyến rũ và sai khiến mọi người một cách hợp lý.

2. Đặt mình trong một môi trường thích hợp

Những người bên cạnh bạn dù thân hay không thân, đều ảnh hưởng đến bạn.

Khi bạn cần những lý tưởng lớn hơn, bạn phải kéo chính mình ra khỏi môi trường quen thuộc, và đưa mình đến một môi trường mới thích hợp hơn.

Môi trường mới có thể đem đến bạn nhiều rủi ro, nhưng đó là cách những lý tưởng tốt hơn được sinh ra. Nơi mà trí tưởng tượng cũng như cảm hứng trong bạn được kích thích. Bạn cảm thấy có động lực hơn trong công việc, bạn sẽ cảm thấy mình chịu khó lạ thường. Bạn cảm thấy mình mạnh hơn bao giờ hết.

Công việc bạn đang làm giống như một bộ phim vậy. Trong phim, sẽ có rất nhiều cảnh quay: cảnh mở đầu giới thiệu, cảnh mô tả nhân vật, cảnh thắt nút đưa ra câu đố, rồi cảnh gỡ nút bất ngờ. Nhưng để kết nối những cảnh phim đó, còn cần đến những cảnh nhàm chán để câu chuyện diễn ra hợp lý.

Hãy lựa chọn những môi trường sống và làm việc mà ở nơi đó, bạn vẫn có động lực làm những phần việc nhàm chán. Để khi bạn đạt được thành quả, ý nghĩa cũng như lý tưởng công việc của bạn sẽ ở một mức cao hơn.

3. Chủ động đưa mình vào đường cùng, nỗi sợ hãi sẽ khiến bạn phải hành động

Rất nhiều người nông nổi thường thất hứa với mọi người và chính mình. Họ đưa ra những mục tiêu cũng như lời hứa, và không thực hiện nó. Không phải vì họ yếu đuối, cũng không hẳn đó là tính cách thật của họ. Mà là do họ đưa ra lời hứa trong lúc có quá nhiều sự lựa chọn.

Điều gì khiến chúng ta rạo rực trong người muốn thực hiện cho bằng được một việc làm nào đó? Có phải là việc làm đó có ý nghĩa? Hay là do khi làm được nó ta nhận được một lợi ích?

Không phải, lời cam kết chỉ mạnh nhất khi nếu bạn không làm, bạn nhận ra mình sẽ phải trả giá rất đắt.

Hãy biết lựa chọn người mà hứa!

Nếu hứa với những người dưới thế, vô tình bạn gây khó chính mình. Bởi vì bạn có thể bỏ ngang lời hứa đó, mà hậu quả cũng chẳng sao.

Hãy hứa với những ai đang ở vị thế cao hơn bạn, những người bạn thật sự tôn trọng, bạn biết rằng khi bạn không thực hiện, bạn sẽ bị thiệt hại rất nhiều.

Chỉ đưa ra quyết định không thể thay đổi

Những thời điểm bạn có quá nhiều lựa chọn, bạn ngã bên nào cũng được, thì quyết định bạn đưa ra rất dễ lung lay, bạn có thể do dự và rút lại.

Nó khiến bạn trở thành một người không có lập trường. Bạn sẽ bị mất niềm tin trong mắt mọi người. Và sâu xa hơn, bạn không thể hành động một cách trọn vẹn các mục tiêu của mình.

4. Tin vào con người – và tạo mối quan hệ với những ‘thiên tài’ xung quanh bạn

Thiên tài ở đâu cũng có. Tùy thuộc là do bạn định nghĩa như thế nào là thiên tài thôi. Trong cuộc sống hàng ngày của bạn, có thể bạn đã gặp rất nhiều thiên tài, nhưng bạn cho qua.

Chúng ta ai cũng có thể giỏi trong phần công việc chúng ta lựa chọn. Nhưng có thể do tính cách khác nhau, cũng như tâm lý chúng ta trật nhịp nhau, nên chưa thể tìm được điểm chung và sự tài giỏi ở nhau.

Hãy tạo mối quan hệ với những người bạn đúng nghĩa nhất, dù họ có khác bạn như thế nào. Hãy rèn luyện lòng tin chính mình và mọi người xung quanh đúng nơi, đúng lúc, đúng người. Khi đó bạn sẽ tìm được những con người tài giỏi, họ sẽ giúp đỡ bạn rất nhiều trên hành trình phát triển bản thân mình.

5. Mong đợi bạn và mọi người sẽ thành công, và thể hiện được điều đó

Ai cũng vậy, dù họ không nói ra, mong muốn thành công và tốt hơn là cách tạo động lực để gìn giữ những mối quan hệ làm việc chung được diễn ra êm đẹp.

Mong muốn thành công sẽ giúp bạn rèn luyện những thói quen kỷ luật bản thân. Bạn có thể tính toán dành thời gian và công sức của mình một cách hợp lý. Và khi mọi người xung quanh nhận ra điều đó ở bạn, họ càng có niềm tin vào bạn hơn, cũng như các dự án bạn đang làm.

6. Hãy hiểu rằng bạn là người tạo ra nhu cầu cho chính mình, chứ không ai khác

Khi bạn đang phân vân về những nhu cầu của mình, bạn sẽ đứng im một chỗ không làm được gì. Bạn không biết mình đang cần gì, nên không đưa ra được một quyết định cho bước đi tiếp theo.

Và không ai có thể chỉ ra bạn đang cần gì.

Cách biết được nhu cầu của mình là làm. Hãy làm và tập trung vào từng chi tiết nhỏ. Khi đó nếu có thất bại, thì cũng không sao, vì bạn biết mình thiếu cái gì.

Giống như khi hẹn hò với bạn gái mới quen vậy, bạn chuẩn bị tiền, chuẩn bị xe, chuẩn bị một bộ quần áo đẹp. Dù bạn chưa biết như vậy là đủ chưa, hãy cứ đến buổi hẹn hò đó một cách tự tin. Khi vào bàn trò chuyện, bạn nói chuyện quá nhanh cũng như dở hơi, rồi bạn thất bại. Lúc đó bạn biết rằng mình cần luyện tập khả năng ăn nói phải không nào?

Thay vì nằm ở nhà nghi vấn chính mình, rằng không biết mình có cần thêm cái gì để tán đổ con gái. Rồi bạn chẳng chịu ra ngoài hẹn hò, thành thói quen, rồi mãi ế.

7. Cảm nhận những thay đổi xung quanh cuộc sống của mình khi tiến gần đến thành công

Khi bạn tiến gần đến thành công, đồng nghĩa trong thời gian qua bạn đang tập trung hết sức trong quá trình làm việc.

Và trong một khoảnh khắc, khi nhìn lại cuộc sống bạn từng có, bạn cảm thấy mọi thứ như đang thay đổi. Sẽ có những người bạn hồi xưa hay gặp gỡ tám chuyện, thì bây giờ ít liên lạc. Sẽ có những người làm việc chung không hiểu hết về bạn. Sẽ có những sở thích, những địa điểm giải trí bạn cho qua.

Bạn vô tình nhận ra bạn đang đánh đổi nhiều thứ.

Khi một bên là thành công, và một bên là những thứ bạn đánh đổi. Nhiều khi bạn còn muốn trở về vùng an toàn của mình, cảm giác muốn trở lại cuộc sống ban đầu.

Đừng né tránh những khoảnh khắc đó. Mà hãy cảm nhận nó, bạn sẽ thừa nhận chính mình, và bước thêm một bước nữa đến những gì bạn hằng mong muốn.

Đó là cách bạn ôm trọn những thành quả của mình một cách có ý nghĩa nhất. Bạn hiểu hơn về cuộc sống này. Bạn hình thành cho mình những tính cách ưu tú hơn.

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
Nhịp điệu cuộc sống
Top