Hiểu biết về cộng đồng sẽ giúp các nhà hoạt động làm việc được với người dân ở các đại phương và cùng họ giải quyết các vấn đề đang tồn đọng. Một trong những kiến thức không thể thiếu về cộng đồng chính là các yếu tố xã hội cốt lõi – hay còn gọi là các yếu tố xã hội quyết định. Bài viết dưới đây sẽ cho bạn các kiến thức cơ bản về nó.
“Các yếu tố xã hội quyết định” là các yếu tố xã hội rộng lớn, chẳng hạn như bất bình đẳng về thu nhập hoặc một số người bị gạt ra ngoài lề xã hội, dẫn đến hoặc gây ảnh hưởng đến các kết quả về sức khoẻ và phát triển. Ví dụ, một nhân viên trong lĩnh vực phát triển cộng đồng ở Mê-hi-cô cho biết, anh nhận ra rằng một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng suy dinh dưỡng ở khu vực anh ta làm việc không phải là do không đủ lương thực. Những người nông dân lĩnh canh đã trồng được đủ lương thực để nuôi sống gia đình nhưng phải vay hạt giống từ chủ đất để trồng hoa màu của họ. Điều khoản vay mượn là, với mỗi lượng ngô giống vay mượn trong thời gian trồng, phải trả lại gấp ba khi thu hoạch. Với mức lãi cao như vậy, nông dân ngày càng lún sâu hơn vào nợ nần, và phải mất nhiều hoa màu hơn hằng năm để trả nợ chủ đất. Vì không có quyền lực, sự đoàn kết theo nhóm và sức ảnh hưởng, nông dân không thể tạo ra những điều kiện để bảo đảm sức khoẻ và hạnh phúc của gia đình họ.
Có rất nhiều nghiên cứu về các yếu tố xã hội quyết định tới tình trạng sức khoẻ. Trong đó, có ba yếu tố quan trọng nhất được đề cập
– Bất bình đẳng về thu nhập. Khi một quốc gia đạt đến mức độ phát triển mà trong đó hầu hết các ca tử vong xảy ra không phải từ bệnh truyền nhiễm (lao, kiết lị, tả, sốt rét, cúm, viêm phổi…) mà là từ các bệnh mạn tính (tim mạch, tiểu đường, ung thư), thì bình đẳng xã hội và kinh tế trong quốc gia đó là một yếu tố quyết định lớn hơn đối với tỷ lệ tử vong và tuổi thọ trung bình so với vị thế của quốc gia đó với các nước khác. Chẳng hạn như Mỹ hiện đang thua kém về mặt tuổi thọ của công dân nước mình, so với Nhật Bản, Thuỵ Điển, Canada, và cả nhiều nước khác với mức độ giàu có thấp hơn. Khác biệt dường như nằm ở mức độ chênh lệch giữa các phân khúc giàu và nghèo nhất của xã hội.– Liên đới xã hội. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng “cảm giác mình thuộc về một tập thể nào đó”– dù là một đại gia đình, một mạng lưới bạn bè, một tổ chức xã hội- tình nguyện, hay một cộng đồng tín ngưỡng – đều có liên quan đến mức tuổi thọ và sức khoẻ cao hơn, cũng như liên quan tới mức độ tham gia vào đời sống cộng đồng.
– Ý thức về hiệu lực cá nhân hoặc tập thể. Yếu tố này đề cập đến cảm giác kiểm soát, làm chủ được cuộc sống của bản thân. Những người có ý thức cao hơn về khả năng kiểm soát cuộc sống bản thân thường có khuynh hướng sống lâu hơn, duy trì sức khoẻ tốt hơn và tham gia mạnh hơn vào đời sống dân sự.
Nhiều trong số các yếu tố xã hội quyết định liệt kê dưới đây chính là các dạng thức hoặc nhân tố đóng góp cụ thể vào ba phạm trù nêu trên. Ở cấp độ cộng đồng thì khó có thể tác động trực tiếp lên vấn đề bất bình đẳng thu nhập, nhưng một tổ chức phi chính phủ hoặc tổ chức cộng đồng có thể tiếp cận nó thông qua việc giải quyết một vấn đề cụ thể. Một tổ chức quy mô nhỏ có thể tác động nhiều hơn lên tính liên đới xã hội và ý thức về hiệu lực, do hành động tập thể có thể làm ảnh hưởng đến cả những giềng mối xã hội và trải nghiệm về việc thay đổi cộng đồng và các hệ thống.
Tổ chức Y tế Thế giới, trong ấn phẩm The Solid Facts (Các dữ kiện đáng tin cậy), nhìn nhận sự cần thiết phải chia nhỏ các yếu tố này thành nhiều mảng nhỏ dễ quản lý hơn. Tài liệu này liệt kê ra 10 yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ và tuổi thọ, và ủng hộ giải quyết từng vấn đề một trong khuôn khổ của một chương trình bảo vệ xã hội toàn diện nhằm giải quyết tất cả các vấn đề đó trong một xã hội. Mười yếu tố đó là:
-Đường dốc xã hội (được hiểu là mức độ bình đẳng hoặc chênh lệch về sự thịnh vượng và cơ hội giữa những người giàu nhất và nghèo nhất)
-Sự căng thẳng
-Trải nghiệm đầu đời
-Tình trạng bị gạt ra ngoài lề xã hội (đối lập với sự liên đới xã hội)
-Công việc
-Tình trạng thất nghiệp
-Trợ giúp xã hội
-Tình trạng nghiện ngập
-Lương thực – thực phẩm
-Điều kiện vận chuyển, đi lại
Trong hầu hết các trường hợp, các yếu tố liệt kê dưới đây có tính cụ thể hơn ba yếu tố quyết định có tính bao quát rộng hơn ở bên trên. Tuy nhiên trong việc giải quyết các yếu tố xã hội quyết định, hãy lưu tâm đến các yếu tố có tính bao quát rộng hơn này, và hướng các chương trình và chính sách vào việc gây ảnh hưởng đến những yếu tố đó ở bất kỳ mức độ nào mà bạn có thể, căn cứ vào các nguồn lực và quy mô của tổ chức của bạn.
Như đã liệt kê trên đây, có những yếu tố có thể điều chỉnh được mà có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến sức khoẻ và chất lượng sống của các thành viên cộng đồng. Hãy xem một đoạn video mô tả một trong các yếu tố này:
Các yếu tố xã hội quyết định của một vấn đề cụ thể về sức khoẻ hoặc phát triển của cộng đồng có thể là mang tính đặc thù, riêng có đối với một cộng đồng hoặc một nhóm cụ thể, hoặc cũng có thể tồn tại ở xã hội với quy mô rộng lớn hơn. Người dân từ các nền văn hoá nhập cư khác nhau, các tầng lớp xã hội khác nhau, hay có trình độ giáo dục khác nhau có thể trải nghiệm cùng một vấn đề bằng những cách rất khác nhau, do bởi các yếu tố xã hội khác nhau.
Các yếu tố xã hội quyết định có thể ảnh hưởng đến các nhóm dân cư cụ thể theo 3 cách chủ yếu. Chúng cũng có thể được coi là những đòn bẩy – các điểm can thiệp (points of intervention) – có thể được dùng để giải quyết các yếu tố xã hội quyết định đó và làm giảm nhẹ tác động của chúng.
1. Khác biệt về mức độ tiếp xúc/phơi nhiễm.
Các nhóm dân số nào đó, vì lý do kinh tế, địa lý hoặc vì các yếu tố khác, có thể gặp phải những rủi ro cụ thể về sức khoẻ nhiều hơn các nhóm khác. Chẳng hạn người nghèo rất có thể sẽ bị căng thẳng nhiều hơn, bất ổn về kinh tế và tình trạng ốm đau hơn những người giàu có hơn trong cùng quốc gia đó.Thí dụ cụ thể: Ở các nước đang phát triển hoặc thậm chí các nước có thu nhập trung bình, các làng xóm nghèo ở nông thôn có thể phải lấy các loại nước mà họ cần: nước để uống, giặt giũ, xử lý chất thải và cho các mục đích sử dụng khác – từ một nguồn duy nhất trên mặt đất, chẳng hạn như sông, hồ. Trong trường hợp đó, dân làng rất dễ bị tiếp xúc với các nguồn bệnh tật và chất gây ô nhiễm qua nguồn nước hơn là những người hàng xóm giàu có hơn, đủ tiền để mua nước đóng chai hoặc khoan giếng.2. Khác biệt về tính dễ bị tổn thương.
Do nghèo khó, dễ bị căng thẳng và gặp tình trạng bấp bênh, hoặc các yếu tố khác, chính những nhóm dân cư này dễ bị tổn thương hơn những người khác trong các vấn đề về sức khoẻ. Việc không có khả năng chi trả để được chăm sóc sức khoẻ định kỳ hoặc điều trị y tế làm gia tăng khả năng mắc bệnh mạn tính. Trong ví dụ về ngôi làng trên đây, sự thiếu dinh dưỡng do nghèo đói, và không thể làm một cái giếng để dùng chung cả cả làng, có thể làm tăng khả năng dễ bị tổn thương của người dân trước các bệnh tật truyền qua đường nước sinh hoạt.3. Khác biệt về hệ quả.
Chênh lệch về sự giàu có, vị thế xã hội, sự kết nối và các yếu tố khác có thể dẫn đến những hệ quả rất khác nhau về các vấn đề sức khoẻ. Với một gia đình trung lưu hay thượng lưu ở nhiều nước, một vấn đề sức khoẻ nhỏ – mất vài ngày làm việc, mất một khoản tiền khiêm tốn để điều trị – có lẽ chỉ là chuyện nhỏ. Đối với một gia đình nghèo, hệ quả đó có thể cực kỳ nghiêm trọng và là gánh nặng lớn. Sự phân biệt đối xử, mức độ căng thẳng cao, điều kiện làm việc và các yếu tố khác có thể dẫn đến bất bình đẳng về sức khoẻ và chăm sóc y tế giữa các nhóm khác nhau.Có một số yếu tố xã hội cần giải quyết để cải thiện các điều kiện về sức khoẻ và phát triển. Một số yếu tố phổ biến nhất cần giải quyết là:
CÁC YẾU TỐ KINH TẾ.
Thí dụ tỷ lệ thất nghiệp có ảnh hưởng lớn đến các vấn đề như bạo lực gia đình, lạm dụng chất gây nghiện, trầm cảm, hoặc bệnh tật. Bất bình đẳng về kinh tế ảnh hưởng đến mức độ căng thẳng của người dân, sự tiếp xúc với bạo lực và các chất độc hại, triển vọng giáo dục, khả năng tiếp cận các dịch vụ, các hành vi có độ rủi ro cao và tỷ lệ tử vong.HOÀ NHẬP XÃ HỘI.
Liên đới xã hội và sự gắn kết của cộng đồng đã cho thấy là có mối quan hệ trực tiếp với việc nâng cao sức khoẻ và giảm tỷ lệ tử vong. Các yếu tố này cũng có thể khuyến khích sự tham gia của người dân vào việc thay đổi các điều kiện ảnh hưởng đến các mục tiêu của nhóm.GIÁO DỤC.
Mức độ giáo dục cao hơn không chỉ giúp có được công việc tốt hơn và khá giả hơn mà còn làm tăng ý thức kiểm soát được cuộc sống của mình. Những người có học vấn cao hơn sẽ có nhiều lựa chọn hơn về y tế, nhà ở, nghề nghiệp và các lĩnh vực khác ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ.ĐỊNH KIẾN VỀ CHỦNG TỘC, SẮC TỘC.
Tình trạng bị gạt ra ngoài lề xã hội có thể là kết quả của những định kiến, dẫn đến mức độ tiếp cận khác nhau đối với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, vv.CÁC TIÊU CHUẨN XÃ HỘI VỀ VIỆC CHẤP NHẬN CÁC HÀNH VI HOẶC THỰC HÀNH CỤ THỂ.
Hút thuốc, hoặc thậm chí lạm dụng rượu bia, có thể là một phần được chấp nhận trong văn hoá của một cộng đồng. Trong trường hợp đó, nhiều người sẽ tiếp nhận và hình thành những hành vi, thói quen đó hơn là trong một cộng đồng mà những việc này bị phản đối, chê trách.CÁC YẾU TỐ VĂN HÓA.
Có nhiều yếu tố văn hoá có thể liên quan đến sự hòa nhập xã hội, tính hiệu lực và bất bình đẳng về thu nhập.– Vai trò giới tính (thể hiện giới tính) trong các nền văn hoá khác nhau có thể dẫn đến chênh lệch về cơ hội cho nam giới và nữ giới, và khác biệt về chất lượng dinh dưỡng, sức khoẻ, giáo dục và cả cơ hội sống cho con cái họ.
– Sở thích về ăn uống trong các nền văn hoá khác nhau có thể làm ảnh hưởng trầm trọng đến sức khoẻ. Ví dụ trong nhiều thế kỷ người Nhật đã có một chế độ ăn gồm cơm, rau và cá, và do đó ít nhất một phần, họ ít gặp phải vấn đề về sức khoẻ tim mạch hơn so với những người ăn thịt và khoai tây ở Mỹ.
Trong nhiều trường hợp, những người mà mới chỉ thoát khỏi đời sống nghèo khó ở nông thôn khoảng 1 thế hệ trở lại đây – điển hình như nhiều dân nhập cư gốc Đông Âu vào nước Mỹ đầu thế kỷ 20 – có thể ăn nhiều chất béo hơn vì việc được ăn các thực phẩm chứa mỡ, chẳng hạn như thịt, là biểu tượng cho sự giàu có trong văn hoá nông dân. Nhiều dân nhập cư đến Mỹ ở buổi giao thời đầu thế kỷ 20 – thế hệ ông bà của những người Mỹ đương đại – cho rằng trẻ em béo tức là trẻ khỏe mạnh, vì béo rõ ràng là do có đủ ăn, ngược lại với chuyện bị đói. Tình trạng đói kém là mối nguy thực sự vào giai đoạn và nơi ở lúc họ còn nhỏ.
– Tôn giáo có thể có ảnh hưởng sâu sắc đến cả vấn đề sức khoẻ và phát triển.
– Thái độ đối với nền văn hoá chủ lưu có thể ảnh hưởng đến mọi thứ, từ chăm sóc y tế đến chuyện học sinh trung học phổ thông có thể tham dự khiêu vũ hay không. Việc này, đến lượt mình, lại ảnh hưởng đến loại hình và mức độ chăm sóc sức khoẻ nhận được, ý thức về sự kết nối trong cộng đồng và nhiều yếu tố khác.
– Rào cản ngôn ngữ có thể làm cho người ta không được chăm sóc sức khoẻ hay tiếp cận các dịch vụ khác, làm cho khó tìm ra và giữ được những công ăn việc làm ổn định, đàng hoàng, và ảnh hưởng đến việc học hành của con cái họ.
ẢNH HƯỞNG CỦA TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG.
Các phương tiện truyền thông, nhất là truyền hình, có thể gửi đi những thông điệp mạnh mẽ về sức khoẻ và phát triển cộng đồng. Trong những năm 1950 ở Mỹ, việc hút thuốc được miêu tả trong phim ảnh, tạp chí và truyền hình, là đẹp quyến rũ và tinh tế. Hiện nay, trên TV không có bất cứ quảng cáo nào về thuốc lá, trong phim ảnh cũng hầu như không có ai hút thuốc, và các thông điệp chống thuốc lá có ở khắp nơi. Những chuyện này một mặt phản ánh và mặt khác cũng là nguyên do vì sao hiện chỉ có chưa đầy 25% người lớn ở Mỹ hút thuốc.Truyền thông có thể giúp ích hoặc gây cản trở các nỗ lực khác nhằm cải thiện sức khỏe (chẳng hạn qua có những chương trình trên truyền thông cho thấy mọi người tập tành thể dục thể thao là chuyện đương nhiên, hoặc cho thấy cũng họ ăn thức ăn nhanh chứa nhiều chất béo hoặc uống quá nhiều). Tương tự như vậy, truyền thông cũng có thể khuyến khích sự bao dung hoặc bất dung đối với người khác, thúc đẩy các nghị trình chính trị, bỏ qua hoặc lên án các hành vi như giải quyết tranh chấp bằng bạo lực và quan hệ tình dục không an toàn.
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét