Khi bạn nói điều gì tương tự như sau…

Ước gì mình giỏi hơn, nhưng kỹ năng và kiến thức của mình dở lắm.

… Những người thông minh đang nghe thông điệp như thế này:

Mình ước mình giỏi hơn, nhưng mình quá lười và vô kỷ luật để làm gì đó. Mình cũng có lòng tự tôn thấp, ngăn cản mình tin rằng mình có thể cải thiện khuyết điểm này. bạn nên tránh xa mình ra và dành thời gian với ai đó xứng đáng hơn.

Là một người trưởng thành bạn phải chịu trách nhiệm cho chính sự giáo dục của mình. Nếu bạn đang yếu một lĩnh vực cần thiết, hãy rèn luyện đến mức thành thục.

Sự Giáo Dục Lúc Trẻ Của Bạn

Nhiều người thấy sự giáo dục mình được thụ hưởng lúc nhỏ không đủ làm hành trang bước vào đời khi họ lớn lên. Không chỉ riêng giáo dục Việt Nam mà ngay cả ở Mỹ, Nhật cũng vậy. Thực ra chúng ta không thể phê phán cả một nền giáo dục. Không ai thực sự biết kiến thức và kỹ năng gì sẽ quan trọng với bạn trong cuộc sống về sau. Tất cả chúng ta đều đoán, và thường đoán sai.

Sự giáo dục lúc trẻ của tôi khá tuyệt vời. Tôi được học những môn cốt lõi như Tiếng Việt, Toán, Địa Lý, Sinh Học, Lịch Sử, Hóa Học, Vật Lý,…hơn 11 môn trong một học kỳ (cường độ rất cao so với 5 môn của giáo dục Mỹ). Tôi cũng được dạy tính kỷ luật, cách tôn trọng người trên kẻ dưới, cách sống an toàn hiền lành. 12 năm học hành đàng hoàng ở trường tư lẫn trường công. Điều không may mắn là tôi cũng bị học cách gian lận dối trá, bệnh ham thành tích, tư duy rập khuôn, tính thụ động. Chưa kể môn thể dục dở hơi, môn vi tính ngớ ngẩn, và cả sự thiếu vắng những môn nghệ thuật mà đáng lẽ ra có thể giúp tôi và những người bạn đồng trang lứa trở thành những nghệ sĩ không chuyên.

Dù có những điểm tốt hay tệ đến mấy, nền giáo dục của tôi cũng thiếu sót trầm trọng những lĩnh vực như lập trình vi tính, tâm lý học, triết học, giao tiếp, thuyết trình trước công chúng, cách đặt mục tiêu, xây dựng lòng dũng cảm, xây dựng và điều hành một doanh nghiệp thành công.

Hầu hết những công nghệ tôi sử dụng ngày hôm nay không tồn tại khi tôi đang học. Lần đầu tiên tôi biết đến Internet là ở lớp 9 và lúc đó mạng cũng rất chậm, tài liệu cũng không được chia sẻ rộng rãi như bây giờ. Tôi chắc chắn không biết xây dựng Website hay làm Internet Marketing trong khi đang ngồi trên ghế nhà trường.

Những Gì Nhà Trường Dạy Và Những Gì Cuộc Sống Cần

Nếu có thể thêm vài lớp học vào trong trường tiểu học, tôi sẽ nhấn mạnh các kỹ năng sau: nói trước công chúng, đánh giá mạo hiểm, nhận biết đồ vớ vẩn, kỹ năng xã hội, ra quyết định, quản lý cơ thể, gây ảnh hưởng người khác. Nhiều người sẽ tốt hơn nếu học cách rèn luyện thể chất, xử lý căng thẳng, quản lý thời gian, đặt mục tiêu và độ ưu tiên, giao tiếp hiệu quả với người khác, đọc nhanh và nhớ sâu tài liệu, quản lý dự án nhóm, ăn kiêng thông tin, hiểu biết tài chính cá nhân… Các chủ đề này giá trị và áp dụng thực tiễn được tốt hơn là ngồi thảo luận về những điều vớ vẩn khác.

Có khoảng cách rất lớn giữa những gì nhà trường dạy và những gì cuộc sống cần. Để đạt được những mục tiêu của mình trong cuộc sống, tôi phải tự lấp đầy những khoảng trống trong nền giáo dục chính quy của mình. Điều này yêu cầu cách tiếp cận có kỷ luật. Tôi nhận ra những lỗ hổng kiến thức và kỹ năng  đang ngăn cản mình đạt được mục tiêu. Rồi tôi đặt những mục tiêu Kỹ Năng & Sự Nghiệp để hàn gắn khoảng cách và đi từng bước một đến mục tiêu. Thường thì điều này bao gồm một chuỗi phối hợp của đọc tài liệu – học chuyên gia – tự thử nghiệm.

Không bao giờ phàn nàn về sự thiếu kỹ năng hay sự giáo dục dở hơi của mình. Không bao giờ sử dụng việc thiếu hiểu biết làm lý do để không đạt được mục tiêu. Đó là hành vi ứng xử cấp thấp và không tốt lành cho bất kỳ ai. Đó cũng là cách hoàn hảo để đẩy những người thành công ra khỏi cuộc sống của bạn. Tôi thường ví những người bèo nhèo vô trách nhiệm như vậy là bèo tây (lục bình). Lục bình đây chỉ sự sống đời trôi nổi tiêu cực, không chỉ vùng đồng bằng sông nước Nam Bộ hiền lành chân chất.

“Tôi không biết làm thế nào” không phải là lý do tốt để thất bại. Bạn có thể thấy yếu kém ở vài lĩnh vực. Bình thường. Nếu bạn thấy nhà trường không làm tốt trách nhiệm của họ (đáng xấu hổ) thì hãy học ở những môi trường phi chính quy.

“Tôi không biết làm thế nào” là một lời biện hộ đáng thương trong thời đại thông tin. Khi bạn có thể tìm kiếm những câu trả lời chỉ trong vài giây, lời biện hộ trên chỉ khiến bạn trở nên ngốc nghếch, lời biếng, và không xứng đáng thành công.

Khi Bạn Không Biết Làm Thế Nào…

Nếu bạn không biết, hãy học. Sử dụng cái đầu tuyệt vời của bạn.  Bạn đã học cách đi, nói và đọc một ngôn ngữ khi mới tí tuổi. Bộ não này còn khả năng học chứ? Đương nhiên!

Bạn phải chịu 100% trách nhiệm cho việc giáo dục của mình. Có thể gia đình và hệ thống nhà trường giúp bạn có khởi đầu thuận lợi. Có thể không. Dù gì đi nữa, quá khứ là quá khứ. Bạn phải nhìn vào tương lai. Những gì bạn không học trong quá khứ, bạn có thể bắt đầu học ngày hôm nay. Ngoại ngữ, âm nhạc, một môn thể thao, một ngành chuyên môn mới. Vài năm nữa, bạn sẽ có một lượng kiến thức tương đương Cử Nhân, Thạc Sĩ, Tiến Sĩ của một chủ đề bạn chưa từng học.

Một trong những lời khuyên tốt nhất đánh thức tinh thần ham học hỏi là: “Nếu bạn muốn giỏi ở lĩnh vực nào, hãy học lĩnh vực đó.” Nếu bạn muốn khỏe mạnh và dễ nhìn hơn thì hãy học sinh lý, chế độ ăn kiêng, các bài tập thể dục, cách làm tình, phong cách ăn mặc. Nếu bạn muốn hạnh phúc thì hãy học tâm lý. Nếu bạn muốn được yêu mến thì hãy học cách đối nhân xử thế. Nếu bạn muốn được thoải mái thì học cách tăng năng suất, ăn kiêng thông tin, tự động hóa, thuê ngoài. Nếu bạn muốn thành công thì hãy học về sự thành công. Nếu bạn muốn giàu có bền vững thì hãy học cách quản lý tiền bạc. Nếu bạn muốn sống ý nghĩa hơn thì hãy tìm hiểu chính mình.

Bạn đang cần bù đắp lỗ hổng giáo dục gì? Điều gì bạn khao khát được học? Đặt một vài mục tiêu, chọn sách để đọc, khóa học để tham gia, và các chuyên gia để hỏi. Lần tới khi bạn định nói “tôi không biết làm thế nào”, hãy nói “tôi đang học cách làm”. Hoặc “tôi sẽ google”. Thông tin bạn cần biết để bắt đầu đã có sẵn trên đầu ngón tay.

Bạn là người trưởng thành, hãy học như một người trưởng thành. Đừng trở thành một sinh viên 12+4 (hoặc 12+n).
Next
Bài đăng Mới hơn
Previous
This is the last post.

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Đăng nhận xét

 
Nhịp điệu cuộc sống
Top